Học tiếng Đức A1 giống như xây nền móng cho một ngôi nhà. Chỉ khi nền móng vững chắc, bạn mới có thể tự tin bước lên những trình độ cao hơn như A2, B1 hoặc xa hơn nữa là trở thành người nói tiếng Đức thành thạo. Nhưng để bắt đầu, không phải ai cũng biết làm thế nào để không bị “ngợp” trong hàng loạt từ vựng mới, ngữ pháp lạ lẫm hay cách phát âm “lạ tai” của ngôn ngữ này.
Ở trình độ tiếng Đức A1, bạn sẽ học những điều cơ bản nhất – từ cách phát âm chuẩn từng chữ cái, đến việc nói những câu đơn giản như giới thiệu bản thân hay hỏi đường. Dù nghe có vẻ dễ, nhưng nếu không có lộ trình rõ ràng, việc tự học có thể khiến bạn mất phương hướng và bỏ cuộc giữa chừng. Đừng lo, bài viết này sẽ giúp bạn có một lộ trình học tập cụ thể và các bí quyết để chinh phục tiếng Đức A1 chỉ trong 3 tháng.
Nội dung bài viết
1. Trình độ tiếng Đức A1 – Học gì và làm được gì?
A1 theo CEFR là gì?
Bạn đã bao giờ tự hỏi: “Mình sẽ làm được gì sau khi hoàn thành tiếng Đức A1?” Theo CEFR (Khung Tham Chiếu Ngôn Ngữ Chung Châu Âu), đây là cấp độ sơ cấp, nơi bạn bắt đầu từ con số 0. Mọi thứ đều rất mới mẻ, nhưng đồng thời cũng rất thú vị. Bạn sẽ nhận ra mình:
- Có thể giới thiệu bản thân một cách tự tin, ví dụ: “Ich heiße Linh und ich komme aus Vietnam.” (Tôi tên là Linh và tôi đến từ Việt Nam).
- Hiểu được những câu nói và cụm từ quen thuộc trong đời sống hàng ngày.
- Thực hiện những cuộc hội thoại ngắn, đơn giản, miễn là người đối diện nói chậm và rõ.
Đừng kỳ vọng rằng sau A1 bạn sẽ nói tiếng Đức trôi chảy. Tiếng Đức A1 không phải về sự thành thạo, mà là về việc “biết cách bắt đầu” – và đó là điều quan trọng nhất.
2. Lộ trình học tiếng Đức A1 trong 3 tháng
Giai đoạn 1: Làm quen với ngôn ngữ
Tháng đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy trong tiếng Đức mọi thứ thật mới mẻ và lạ lẫm. Từ bảng chữ cái đến cách phát âm các từ tiếng Đức, có thể sẽ hơi “xoắn lưỡi” một chút, nhưng đừng nản lòng. Đây là giai đoạn để bạn “làm quen” và dần xây dựng sự nền tảng cơ bản.

Hãy bắt đầu học với bảng chữ cái tiếng Đức. Đừng chỉ học qua lý thuyết, hãy nghe cách người bản xứ phát âm và cố gắng lặp lại. Một mẹo nhỏ: Nếu có thể, hãy luyện tập trước gương để kiểm tra khẩu hình miệng của bạn.

Tiếp theo, bạn cần học 200 từ vựng cơ bản. Hãy chọn các chủ đề quen thuộc như: số đếm, chào hỏi, gia đình, và các đồ vật xung quanh bạn. Ví dụ, bạn có thể học cách nói “một cái bàn” (ein Tisch) hay “một cái ghế” (ein Stuhl). Những từ này rất đơn giản, nhưng sẽ giúp bạn cảm thấy gần gũi hơn với tiếng Đức.
Về ngữ pháp, tháng đầu tiên là lúc bạn tập trung vào các câu khẳng định, phủ định và câu hỏi cơ bản. Bạn có thể thử các câu như:
- Ich bin Student. (Tôi là sinh viên).
- Ich bin nicht Student. (Tôi không phải sinh viên).
- Bist du Student? (Bạn là sinh viên à?).
💡 Mẹo nhỏ: Hãy sử dụng các ứng dụng như Duolingo hoặc Quizlet để học từ vựng mỗi ngày. Các ứng dụng này không chỉ giúp bạn học nhanh hơn mà còn tạo cảm giác thú vị, không nhàm chán.
Đọc thêm: Hướng dẫn tự học tiếng Đức cho người mới bắt đầu
Giai đoạn 2: Nắm vững ngữ pháp cơ bản
Sau khi đã quen với tiếng Đức, tháng thứ hai là lúc bạn “đào sâu” hơn vào ngữ pháp và thực hành thường xuyên. Đừng sợ ngữ pháp – hãy xem nó như những mảnh ghép để bạn dần hoàn thiện bức tranh ngôn ngữ.
Trọng tâm của tháng này là động từ. Tiếng Đức có cả động từ có quy tắc và bất quy tắc. Bạn có thể bắt đầu với những động từ đơn giản như:
- gehen (đi), kommen (đến), machen (làm).
Hãy học cách chia động từ ở thì hiện tại (Präsens). Chẳng hạn:
- Ich gehe (tôi đi), du gehst (bạn đi), er/sie/es geht (anh ấy/cô ấy/nó đi).
Bên cạnh đó, bạn cần làm quen với các đại từ nhân xưng (ich, du, er/sie/es, wir, ihr, sie/Sie) và đại từ sở hữu (mein, dein, sein, ihr…). Đây là những phần quan trọng để bạn có thể bắt đầu viết các đoạn văn đơn giản hoặc giới thiệu về bản thân.
Đừng quên thực hành! Hãy thử viết một đoạn văn ngắn mô tả gia đình của bạn. Ví dụ:
- Das ist meine Familie. Mein Vater heißt Nam. Meine Mutter heißt Hoa. (Đây là gia đình của tôi. Bố tôi tên là Nam. Mẹ tôi tên là Hoa.)
💡 Mẹo nhỏ: Nếu bạn cảm thấy khó hiểu, hãy tìm các video dạy ngữ pháp A1 trên YouTube. Những kênh như Learn German with Anja có thể giúp bạn hiểu dễ dàng hơn.
Đọc thêm: Bài tập tiếng Đức trình độ A1
Giai đoạn 3: Luyện tập kỹ năng giao tiếp
Tháng cuối cùng là thời điểm để bạn “chạy nước rút”. Đây là lúc bạn kết hợp mọi thứ đã học – từ từ vựng, ngữ pháp đến kỹ năng nghe, nói, đọc và viết – để biến tiếng Đức thành một phần trong cuộc sống hàng ngày.
Bắt đầu với việc luyện nghe. Bạn không cần phải hiểu tất cả mọi thứ, chỉ cần cố gắng nhận ra từ khóa và đoán ý nghĩa. Hãy thử nghe các podcast đơn giản như Deutsch Welle hoặc xem video từ Easy German.
Khi đã quen với việc nghe, hãy chuyển sang luyện nói các câu giao tiếp cơ bản như: lời chào, lời cảm ơn và xin lỗi, tự giới thiệu bản thân,… Bạn có thể tự mình tập nói trước gương, hoặc nếu có cơ hội, hãy tham gia các nhóm học tiếng Đức trên Facebook để tìm bạn học cùng. Đừng ngại sai! Sai lầm chính là cách tốt nhất để bạn tiến bộ.
Ngoài ra, hãy thử đọc các đoạn văn ngắn hoặc bài viết đơn giản. Gạch chân những từ bạn chưa biết, tra nghĩa và ghi chú lại. Việc này không chỉ giúp bạn mở rộng vốn từ mà còn cải thiện kỹ năng đọc hiểu.

Lời chào hỏi cơ bản bằng tiếng Đức
3. Bí quyết để học tiếng Đức A1 nhanh hơn
Nếu bạn cảm thấy việc học tiếng Đức A1 quá khó khăn, hãy thử áp dụng các bí quyết sau để đạt hiệu quả cao nhất:
3.1 Lập kế hoạch cụ thể
Học ngôn ngữ là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và kế hoạch cụ thể. Bạn đừng để mình bị “lạc lối” giữa hàng loạt tài liệu học tập, mà không biết bắt đầu từ đâu!
Cách lập kế hoạch học tập hiệu quả:
- Chia nhỏ mục tiêu hàng tuần:
Ví dụ: Trong tuần đầu tiên, học bảng chữ cái và cách phát âm, học 50 từ vựng mới, và thực hành các câu giao tiếp cơ bản. - Thiết lập thời gian học cố định mỗi ngày: Dành ít nhất 15-30 phút mỗi ngày để học tiếng Đức. Ngay cả những ngày bận rộn, hãy cố gắng học 5-10 phút để ôn tập từ vựng hoặc nghe một đoạn audio ngắn, để duy trì thói quen học tập đều đặn.
💡 Mẹo: Sử dụng công cụ như Google Calendar hoặc Notion để theo dõi lịch học của bạn và đánh dấu các mục tiêu đã hoàn thành.
3.2 Luyện nghe và nói
Ở trình độ A1, đặc biệt là với tiếng đức mục tiêu quan trọng nhất là bạn có thể nghe và giao tiếp cơ bản. Vì vậy, hãy tập trung nhiều thời gian cho hai kỹ năng này.
- Để luyện nghe một cách hiệu quả, bạn có thể chọn nghe các nội dung đơn giản và lặp lại nhiều lần. Chọn các video (có thể vlog daily) hoặc podcast ngắn (5-10 phút) với nội dung dễ hiểu. Hãy nghe lặp lại ít nhất 2 lần để hiểu các ý chính và nắm bắt các từ vựng, cấu trúc câu được sử dụng. Qua đó, việc luyện nghe sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều.
- Một cách để luyện nói nhanh chóng và hiệu quả với người mới học là bạn hãy thường xuyên luyện tập (luyện trước gương, luyện cùng bạn bè) các đoạn hội thoại ngắn như giới thiệu bản thân, hỏi đường hay đặt món ăn. Có một phương pháp mà các bạn trẻ thường sử dụng đó chính là hãy tự quay các vlog ngắn hàng ngày của chính bạn và sử dụng tiếng Đức vào các hoạt động hàng ngày trong cuộc sống.
Lưu ý: Đừng sợ sai! Lỗi sai chính là cơ hội để bạn học nhanh hơn và ghi nhớ lâu hơn. Hãy nhớ “Good things take time” → “Gute Dinge brauchen Zeit” !
Tạm kết
Học tiếng Đức A1 là hành trình đầy thú vị, nhưng cũng cần rất nhiều sự kiên trì và quyết tâm. Đừng quá lo lắng nếu bạn cảm thấy mình học chậm hơn người khác – mỗi người có một tốc độ riêng, và điều quan trọng nhất là bạn không bỏ cuộc.
Hãy nhớ rằng, mỗi ngày bạn tiến bộ một chút, bạn sẽ càng đến gần hơn với mục tiêu của mình. Dù chỉ là những câu chào hỏi đơn giản hay đoạn văn ngắn, hãy tự hào vì bạn đã làm được.
Theo dõi các bài viết tiếp theo của Deutschfuns để khám phá thêm nhiều chủ đề về ngữ pháp tiếng Đức A1 thú vị nhé! Nếu bạn muốn tìm hiểu và học tiếng Đức với lộ trình học hiệu quả và bài giảng tinh gọn, dễ hiểu từ trình độ A1 đến B1, hãy tham khảo Khóa học Tiếng Đức của Deutschfuns!
Chúc bạn học tốt và sớm chinh phục tiếng Đức A1 nhé!