Khi học tiếng Đức, việc đặt câu hỏi trong tiếng Đức là một kỹ năng cực kỳ quan trọng mà bất kỳ người học nào cũng cần phải thành thạo. Dù bạn đang ở trình độ cơ bản (A1, A2) hay nâng cao (B1, B2), hai dạng câu hỏi phổ biến nhất bạn cần nắm vững chính là W-Fragen (câu hỏi với từ để hỏi) và Ja/Nein Fragen (câu hỏi dạng có/không).
Việc hiểu rõ cấu trúc, cách sử dụng và luyện tập hai dạng câu hỏi này không chỉ giúp bạn giao tiếp tốt hơn mà còn tăng sự tự tin khi sử dụng tiếng Đức trong các tình huống hàng ngày hoặc trong các bài kiểm tra ngôn ngữ.
Deutschfuns sẽ hướng dẫn cho bạn từng dạng câu hỏi, cung cấp ví dụ, bài tập thực hành, cũng như giải thích cách sử dụng chúng trong thực tế!
Nội dung bài viết
1. Tại sao việc học câu hỏi trong tiếng Đức lại quan trọng?

Trước khi đi sâu vào phần ngữ pháp, hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao việc học câu hỏi trong tiếng Đức lại cần thiết:
- Giao tiếp hiệu quả hơn: Hầu hết các cuộc trò chuyện đều bắt đầu bằng các câu hỏi. Nếu bạn biết cách đặt câu hỏi chính xác, bạn sẽ dễ dàng thu thập thông tin và duy trì cuộc trò chuyện.
- Thể hiện sự tự tin: Sử dụng câu hỏi đúng ngữ pháp và ngữ điệu sẽ khiến bạn trông chuyên nghiệp hơn khi nói tiếng Đức.
- Hỗ trợ trong học tập: Trong các kỳ thi ngôn ngữ như Goethe, Telc hoặc TestDaF, việc hiểu rõ cấu trúc câu hỏi sẽ giúp bạn trả lời đúng các bài đọc hiểu, nghe hiểu hoặc viết bài luận.
- Mở rộng vốn từ: Khi học cách đặt câu hỏi, bạn sẽ làm quen với nhiều từ vựng và cấu trúc ngữ pháp mới, từ đó cải thiện kỹ năng toàn diện hơn.
2. W-Fragen: Câu hỏi với từ để hỏi

2.1. W-Fragen là gì?
W-Fragen là những câu hỏi bắt đầu bằng các từ để hỏi trong tiếng Đức, hầu hết đều bắt đầu bằng chữ “W”. Những câu hỏi này yêu cầu người trả lời cung cấp thông tin cụ thể, thay vì chỉ trả lời “có” hoặc “không”.
Ví dụ trong cuộc sống hằng ngày:
- Bạn là ai? → Wer bist du?
- Bạn sống ở đâu? → Wo wohnst du?
- Bạn làm nghề gì? → Was machst du?
W-Fragen được sử dụng rất phổ biến, từ những tình huống giao tiếp hàng ngày như hỏi đường, hỏi thông tin, đến các cuộc phỏng vấn hoặc bài thi viết.
2.2. Các từ để hỏi phổ biến trong W-Fragen
Dưới đây là danh sách các từ để hỏi phổ biến trong tiếng Đức, kèm ý nghĩa và ví dụ cụ thể:
Từ để hỏi (W-Wort) | Nghĩa tiếng Việt | Ví dụ |
---|---|---|
Wer (dùng để hỏi chủ ngữ – cách 1) | Ai? | Wer ist das? (Đó là ai?) |
Wen (dùng để hỏi tân ngữ gián tiếp – cách 4) | Ai? | Wen hast du gestern gesehen? (Hôm qua bạn đã nhìn thấy ai?) |
Wem (dùng để hỏi tân ngữ gián tiếp – cách 3) | Ai? | Wem hat dein Vater oft geholfen? (Ba bạn đã thường xuyên giúp đỡ ai?) |
Was | Cái gì? | Was machst du? (Bạn làm gì?) |
Wo | Ở đâu? | Wo wohnst du? (Bạn sống ở đâu?) |
Wohin | Đi đâu? | Wohin fährst du im Urlaub? (Bạn đi đâu vào kỳ nghỉ?) |
Woher | Từ đâu? | Woher kommst du? (Bạn đến từ đâu?) |
Wann | Khi nào? | Wann kommst du? (Khi nào bạn đến?) |
Warum | Tại sao? | Warum lernst du Deutsch? (Tại sao bạn học tiếng Đức?) |
Wie | Như thế nào? | Wie geht es dir? (Bạn có khỏe không?) |
Welcher/Welche/Welches | Cái nào | Welche Farbe magst du? (Bạn thích màu nào?) |
Wie lange? | Bao lâu? | Wie lange dauert der Ausflug? (Chuyến dã ngoại kéo dài bao lâu?) |
Womit? | Bằng phương tiện gì? | Womit fährst du bei schlechtem Wetter zur Arbeit? (Bạn đi làm bằng phương tiện gì khi thời tiết xấu?) |
2.3. Cấu trúc câu hỏi W-Fragen
Cấu trúc cơ bản của W-Fragen là:
(W-Wort) Từ để hỏi + (V) Động từ chia + (S) Chủ ngữ + (O) Thành phần khác ?
Trong đó:
- W-Wort: Đây là từ để hỏi (Ví dụ: Wer, Wo, Was…).
- Động từ chia: Là động từ đã được chia phù hợp với chủ ngữ.
- Chủ ngữ: Là người hoặc vật thực hiện hành động.
- Thành phần khác: Thông tin bổ sung, như tân ngữ, trạng từ thời gian hoặc nơi chốn.
Ví dụ:
- Wo wohnst du? (Bạn sống ở đâu?)
→ Wo (Từ để hỏi) + wohnst (Động từ chia) + du (Chủ ngữ). - Was machst du morgen? (Bạn làm gì vào ngày mai?)
→ Was (Từ để hỏi) + machst (Động từ chia) + du (Chủ ngữ) + morgen (Trạng từ thời gian).
2.4. Cách trả lời W-Fragen
Để trả lời với dạng câu hỏi với từ để hỏi, bạn cần cung cấp thông tin cụ thể liên quan đến câu hỏi.
Ví dụ:
- Wo wohnst du?
→ Ich wohne in Hanoi. (Tôi sống ở Hà Nội.) - Was machst du?
→ Ich bin Student. (Tôi là sinh viên.)
3. Ja/Nein Fragen trong tiếng Đức: Câu hỏi dạng có/không

3.1. Định nghĩa Ja/Nein Fragen
Ja/Nein Fragen là những câu hỏi yêu cầu trả lời bằng “Ja” (Có) hoặc “Nein” (Không). Đây là dạng câu hỏi cơ bản và thường được sử dụng trong các tình huống giao tiếp ngắn gọn, nhanh chóng.
Ví dụ:
- Bạn có học tiếng Đức không? → Lernst du Deutsch?
- Bạn có đói không? → Hast du Hunger?
3.2. Cấu trúc câu hỏi Ja/Nein Fragen dạng khẳng định
Để hình thành câu hỏi Ja/Nein Fragen, ta đảo động từ từ vị trí số 2 lên đầu và thêm dấu hỏi “?” ở cuối câu. Cấu trúc cơ bản là:
(V) Động từ chia + (S) Chủ ngữ + (O) Thành phần khác ?
Ví dụ:
- Hast du Hunger? (Bạn có đói không?)
→ Hast (V) + du (S) + Hunger (O). - Kommst du morgen? (Bạn có đến vào ngày mai không?)
→ Kommst (V) + du (S) + morgen (Trạng từ thời gian).
3.3. Cách trả lời Ja/Nein Fragen
Bạn có thể trả lời bằng cách đơn giản là “Ja” (Có) – mang ý khẳng định hay “Nein” (Không) – mang ý phủ định. Tuy nhiên, để câu trả lời rõ ràng hơn, bạn nên đưa thêm thông tin.
Ja, S + V +O.
hay Nein, S +V + O.
Ví dụ:
- Hast du Hunger?
→ Ja, ich habe Hunger. (Có, tôi đói.)
→ Nein, ich habe keinen Hunger. (Không, tôi không đói.) - Kommst du morgen?
→ Ja, ich komme morgen. (Có, tôi sẽ đến vào ngày mai.)
→ Nein, ich komme morgen nicht. (Không, tôi sẽ không đến vào ngày mai.)
3.4. Câu hỏi phủ định với Ja/Nein Fragen
Câu hỏi phủ định thường diễn tả một sự ngạc nhiên hay muốn xác nhận về một điều gì đó cảm thấy bất ngờ,…Ví dụ thay vì hỏi: trinkst du Bier? (Bạn có uống bia không?) thì người ta có thể hỏi: trinkst du kein Bier? (bạn không uống bia à?). Cấu trúc cơ bản của câu hỏi phủ định:
V + S + nicht/(kein) + O ?
Ví dụ: Trinkst du kein Bier? (Bạn không uống bia à?)
3.5. Trả lời câu hỏi phủ định với Ja/Nein Fragen
Với câu hỏi phủ định, ta không sử dụng “Ja” khi trả lời. Bạn có thể dùng “Nein” – mang ý muốn đồng ý với câu hỏi, hay “Doch” – mang ý muốn khẳng định lại, không đồng ý với câu hỏi.
Nein, S + V + O.
hay Doch, S + V + O.
Ví dụ:
- Nein, ich trinke kein Bier. (Không, tôi không uống bia.)
- Doch, ich trinke Bier. (Không, tôi uống bia mà.)
4. Bài tập luyện tập câu hỏi trong tiếng Đức

Lưu ý: Hãy tự mình đưa ra câu trả lời trước rồi hãy so sánh với đáp án bạn nhé!
4.1. Bài tập W-Fragen
Chuyển các câu trần thuật sau thành câu hỏi W-Fragen:
- Ich wohne in Berlin. (Tôi sống ở Berlin.)
→ Wo wohnst du? (Bạn sống ở đâu?) - Mein Lieblingsessen ist Pizza. (Món ăn yêu thích của tôi là pizza.)
→ Was ist dein Lieblingsessen? (Món ăn yêu thích của bạn là gì?) - Ich komme aus Vietnam. (Tôi đến từ Việt Nam.)
→ Woher kommst du? (Bạn đến từ đâu?) - Der Zug fährt um 10 Uhr ab. (Tàu khởi hành lúc 10 giờ.)
→ Wann fährt der Zug ab? (Tàu khởi hành khi nào?) - Anna hilft mir bei den Hausaufgaben. (Anna giúp tôi làm bài tập về nhà.)
→ Wer hilft dir bei den Hausaufgaben? (Ai giúp bạn làm bài tập về nhà?)
4.2. Bài tập Ja/Nein Fragen
Dựa vào các câu trần thuật sau, hãy viết lại dưới dạng câu hỏi Ja/Nein Fragen.
- Ich lerne Deutsch.
→ Lernst du Deutsch? - Sie hat ein Auto.
→ Hat sie ein Auto? - Wir gehen ins Kino.
→ Geht ihr ins Kino? - Er spielt Fußball.
→ Spielt er Fußball? - Du hast einen Bruder.
→ Hast du einen Bruder?
Đọc thêm: Đại từ nhân xưng trong tiếng Đức: Hướng dẫn chi tiết cho người mới bắt đầu
Tạm kết
W-Fragen và Ja/Nein Fragen là hai dạng câu hỏi trong tiếng Đức cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng, đóng vai trò nền tảng trong mọi tình huống giao tiếp.
Hiểu rõ cách sử dụng và thực hành thường xuyên sẽ giúp bạn tự tin hơn trong giao tiếp hàng ngày, đặc biệt khi học tiếng Đức hoặc tham gia các kỳ thi. Hãy dành thời gian luyện tập hai dạng câu hỏi này hàng ngày để cải thiện kỹ năng ngôn ngữ của mình nhé!
Theo dõi các bài viết tiếp theo của Deutschfuns để khám phá thêm nhiều chủ đề học tiếng Đức thú vị nhé! Nếu bạn muốn tìm hiểu và học tiếng Đức với lộ trình học hiệu quả và bài giảng tinh gọn, dễ hiểu từ trình độ A1 đến B1, hãy tham khảo Khóa học Tiếng Đức của Deutschfuns!