Việc nắm vững ngữ pháp trọng tâm ngay từ trình độ A1 là bước khởi đầu quan trọng để xây dựng nền tảng tiếng Đức vững chắc. Đặc biệt nếu bạn đang chuẩn bị cho kỳ thi chứng chỉ tiếng Đức A1, thì việc hệ thống lại các chủ điểm ngữ pháp tiếng Đức A1 sẽ giúp bạn tự tin hơn khi làm bài.
Trong bài viết này, bạn sẽ được tổng hợp đầy đủ những điểm ngữ pháp quan trọng nhất ở trình độ A1: từ đại từ nhân xưng, chia động từ hiện tại, phủ định với nicht và kein, đến câu hỏi, giới từ và câu mệnh lệnh cơ bản. Tất cả đều được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, kèm ví dụ thực tế – giúp bạn ôn tập hiệu quả và ứng dụng ngay vào bài thi cũng như giao tiếp đời sống.
Nội dung bài viết
1. Đại từ nhân xưng trong tiếng Đức
Đại từ nhân xưng (Personalpronomen) là những từ dùng để chỉ người hoặc vật, đóng vai trò là chủ ngữ trong câu. Khi bạn muốn nói “tôi”, “bạn”, “anh ấy”, “chúng tôi”… trong tiếng Đức, bạn bắt buộc phải dùng đúng đại từ tương ứng.
Bên cạnh đó, đại từ nhân xưng là các từ dùng để thay thế cho danh từ chỉ người, vật hoặc sự vật trong câu. Mục đích chính là làm cho câu ngắn gọn, tránh lặp lại danh từ quá nhiều lần và giúp câu văn trở nên mạch lạc hơn.
Xem xét ví dụ sau:
- Peter liest ein Buch. Peter liebt dieses Buch.
(Peter đọc một cuốn sách. Peter yêu cuốn sách này.) - Peter liest ein Buch. Er liebt es.
(Peter đọc một cuốn sách. Anh ấy yêu nó.)
Ở đây, “Er” và “es” là đại từ nhân xưng, “Er” thay thế cho danh từ Peter và “es” thay thế cho cuốn sách.
Tiếng Đức có một hệ thống đại từ nhân xưng khá phức tạp vì chúng thay đổi tùy thuộc vào:
- Ngôi: Ngôi thứ nhất, thứ hai và thứ ba.
- Số: Số ít hoặc số nhiều.
- Cách: Gồm bốn cách ngữ pháp cơ bản – Nominativ (chủ ngữ), Akkusativ (tân ngữ trực tiếp), Dativ (tân ngữ gián tiếp), và Genitiv (sở hữu).
Dưới đây là bảng tổng hợp các đại từ nhân xưng theo từng ngôi và cách:
Ngôi | Chủ ngữ (Nominativ) | Tân ngữ trực tiếp (Akkusativ) | Tân ngữ gián tiếp (Dativ) | Sở hữu (Genitiv) |
Tôi | ich | mich | mir | meiner |
Bạn (số ít, thân mật) | du | dich | dir | deiner |
Anh ấy | er | ihn | ihm | seiner |
Cô ấy | sie | sie | ihr | ihrer |
Nó | es | es | ihm | seiner |
Chúng tôi | wir | uns | uns | unser |
Các bạn (thân mật) | ihr | euch | euch | euer |
Họ | sie | sie | ihnen | ihrer |
Ngài (trang trọng) | Sie | Sie | Ihnen | Ihrer |
Đọc thêm: Đại từ nhân xưng trong tiếng Đức: Hướng dẫn chi tiết cho người mới bắt đầu
2. Chia động từ ở thì hiện tại tiếng Đức (Präsens)
Thì hiện tại – trong tiếng Đức gọi là Präsens – là chủ điểm quan trọng nhất trong chương trình ngữ pháp tiếng Đức A1. Đây là thì được dùng phổ biến nhất trong cả đời sống hàng ngày lẫn kỳ thi chứng chỉ A1.
Thì hiện tại (Präsens) là thường được dùng để diễn tả:
- Thói quen hằng ngày:
Ich trinke jeden Morgen Kaffee. (Tôi uống cà phê mỗi sáng.) - Sự thật hiển nhiên:
Die Sonne scheint. (Mặt trời chiếu sáng.) - Trạng thái hiện tại:
Ich bin müde. (Tôi đang mệt.) - Kế hoạch gần trong tương lai (như tiếng Việt dùng hiện tại thay cho tương lai):
Ich gehe morgen ins Kino. (Tôi sẽ đi xem phim vào ngày mai)
Quy tắc cách chia động từ tiếng Đức ở thì hiện tại
Động từ nguyên mẫu trong tiếng Đức thường kết thúc bằng “-en” hoặc “-n”. Ta loại bỏ đuôi “-en” hoặc “-n” để lấy gốc động từ. Ví dụ: lernen → lern, spielen → spiel.
Tùy thuộc vào ngôi của chủ ngữ (ich, du, er/sie/es…), bạn thêm đuôi tương ứng vào gốc động từ.

Ví dụ cụ thể: lernen (học)
- Ich lerne (Tôi học).
- Du lernst (Bạn học).
- Er lernt (Anh ấy học).
- Wir lernen (Chúng tôi học).
Trong đó, sẽ có 2 nhóm động từ được chia với quy tắc khác thông thường.
Nhóm 1: Động từ có gốc kết thúc bằng -d, -t, -m, -n
Với các động từ có gốc từ kết thúc bằng -d, -t, -m, hoặc -n, bạn cần thêm một chữ e vào trước các đuôi -st hoặc -t.
Ví dụ: arbeiten (làm việc):
- Ich arbeite (Tôi làm việc).
- Du arbeitest (Bạn làm việc).
- Er arbeitet (Anh ấy làm việc).
Nhóm 2: Động từ bất quy tắc (Unregelmäßige Verben)
Những động từ này thường thay đổi gốc từ ở các ngôi du và er/sie/es. Có 3 trường hợp điển hình của động từ bất quy tắc sau đây:
Trường hợp: e biến thành i
Ví dụ với “essen” (ăn):
- Ich esse (Tôi ăn).
- Du isst (Bạn ăn).
- Er isst (Anh ấy ăn).
- Wir essen (Chúng tôi ăn).
Trường hợp: e biến thành ie
Ví dụ với “lesen” (đọc):
- Ich lese (Tôi đọc).
- Du liest (Bạn đọc).
- Er liest (Anh ấy đọc).
- Wir lesen (Chúng tôi đọc).
Trường hợp: a biến thành ä
Ví dụ với “fahren” (lái xe)
- Ich fahre
- Du fährst
- Er fährt
- Wir fahren
Đọc thêm: Hướng dẫn cách chia động từ ở thì hiện tại trong tiếng Đức một cách dễ hiểu và chi tiết nhất
3. Phủ định với nicht và kein
Phủ định là một trong những phần dễ nhầm lẫn nhất đối với người học tiếng Đức ở trình độ sơ cấp. Không giống như tiếng Việt, tiếng Đức có hai cách phủ định chính: dùng nicht hoặc dùng kein. Tuy cùng mang nghĩa là “không”, nhưng nicht và kein có cách dùng và vị trí khác nhau trong câu.
Việc sử dụng đúng không chỉ giúp bạn diễn đạt chính xác điều muốn nói, mà còn tránh mất điểm không đáng có trong phần viết và nói của kỳ thi A1.
3.1. Phủ định với nicht
“nicht” được sử dụng để phủ định động từ, tính từ, trạng từ và các cụm từ hoặc câu.
Câu khẳng định | Câu phủ định với nicht | |
Phủ định động từ | Ich lese das Buch. (Tôi đọc cuốn sách đó.) | Ich lese das Buch nicht. (Tôi không đọc cuốn sách đó.) |
Phủ định tính từ | Das Wetter ist schön. (Thời tiết đẹp.) | Das Wetter ist nicht schön. (Thời tiết không đẹp.) |
Phủ định trạng từ | Er fährt schnell. (Anh ta lái xe nhanh.) | Er fährt nicht schnell. (Anh ta không lái xe nhanh.) |
Phủ định cụm từ hoặc câu | Ich gehe morgen ins Kino. (Tôi sẽ đi xem phim vào ngày mai.) | Ich gehe morgen nicht ins Kino. (Tôi sẽ không đi xem phim vào ngày mai.) |
3.2. Phủ định với kein
Bạn dùng kein / keine / keinen để phủ định danh từ không có mạo từ xác định, hoặc danh từ đi với mạo từ không xác định (ein/eine).
Câu khẳng định | Câu phủ định | |
Phủ định danh từ có mạo từ không xác định | Ich habe einen Mann. (Tôi có một ông chồng.) | Ich habe keinen Mann. (Tôi có không ông chồng nào.) |
Phủ định danh từ không có mạo từ | Das ist Brot. (Đó là bánh mì.) | Das ist kein Brot. (Đó không phải là bánh mì.) |
Bảng chia kein theo 4 cách (Kasus) và giống danh từ
Kasus (Cách) | Giống đực | Giống cái | Giống trung | Số nhiều |
Nominativ (Chủ ngữ) | kein | keine | kein | keine |
Akkusativ (Tân ngữ trực tiếp) | keinen | keine | kein | keine |
Dativ (Tân ngữ gián tiếp) | keinem | keiner | keinem | keinen |
Genitiv (Sở hữu) | keines | keiner | keines | keiner |
Trong tiếng Đức, “keine” được sử dụng để phủ định danh từ số nhiều không xác định hoặc không có mạo từ. Khi phủ định một danh từ số nhiều, “keine” thay thế cho các mạo từ không xác định ở số nhiều
Cách sử dụng “keine” cho danh từ số nhiều:
1. Phủ định danh từ số nhiều không có mạo từ:
Khẳng định: Ich habe Bücher. (Tôi có nhiều sách.)
-> Phủ định: Ich habe keine Bücher. (Tôi không có sách.)
2. Phủ định danh từ số nhiều có mạo từ không xác định:
Khẳng định: Das sind Freunde. (Đó là những người bạn.)
-> Phủ định: Das sind keine Freunde. (Đó không phải là những người bạn.)
4. Mạo từ xác định và không xác định trong tiếng Đức
Trong tiếng Đức, mọi danh từ đều cần đi kèm mạo từ. Khác với tiếng Việt, tiếng Đức phân biệt rõ giống của danh từ (giống đực, giống cái, giống trung) và yêu cầu người học phải chọn mạo từ đúng theo giống và cách (Kasus).
Vì vậy, việc hiểu và sử dụng chính xác mạo từ là một phần bắt buộc trong ngữ pháp tiếng Đức A1, đặc biệt quan trọng khi bạn học đến các chủ đề như tân ngữ, câu hỏi, phủ định, giới từ…
4.1. Mạo từ xác định
Mạo từ xác định được dùng để chỉ giống của một danh từ đã được xác định, luôn đứng trước danh từ và thường được dịch ra tiếng Việt là: này, ấy, đấy, đó, v.v.
Ví dụ: der Mann – người đàn ông đó, người đàn ông này, người đàn ông ấy
Chúng ta hãy tìm hiểu qua các ví dụ sau:
Giống | Số ít | Số nhiều (không có giống) | Nghĩa |
Đực | der Mann | die Männer | đàn ông |
Cái | die Frau | die Frauen | đàn bà |
Trung | das Haus | die Häuser | ngôi nhà |
Như ta thấy ở bảng trên, danh từ giống Đực đi với mạo từ xác định “der”, danh từ giống cái đi với mạo từ xác định “die”, danh từ giống trung đi với mạo từ xác định “das” và danh từ số nhiều không phân chia giống, tất cả đều đi với mạo từ “die”.
4.2. Mạo từ không xác định
Mạo từ không xác định mang nghĩa là “một” – được dùng khi bạn đề cập đến đối tượng chưa xác định hoặc lần đầu nhắc tới.
Giống | Số ít | Số nhiều (không có giống) |
---|---|---|
Đực | ein | keine |
Cái | eine | keine |
Trung | ein | keine |
Lưu ý: Số nhiều không có mạo từ không xác định, tuy nhiên, ở dạng phủ định của danh từ (kein), nó vẫn có thể dùng số nhiều.
Đây là phần ngữ pháp cơ bản nhưng là phần trọng tâm của ngữ pháp tiếng đức A1. Như vậy, khi học danh từ tiếng Đức, chúng ta nên ghi cả mạo từ và trường hợp số nhiều của từ vào để học thuộc.
Ví dụ: Thay vì viết Mann, bạn nên viết: der Mann, die Männer (đàn ông). Khi nhìn vào, ta có thể biết ngay: Mann là giống đực, và có số nhiều là Männer.
Đọc thêm: Hướng dẫn chi tiết về mạo từ trong tiếng Đức cho người mới bắt đầu
5. Câu hỏi với W-Fragen và Ja/Nein-Fragen trong ngữ pháp tiếng Đức A1
Trong chương trình ngữ pháp tiếng Đức A1, việc đặt câu hỏi và trả lời đúng cấu trúc là một phần không thể thiếu. Dù bạn đang luyện kỹ năng nói, viết hay làm bài thi, việc thành thạo các loại câu hỏi giúp bạn giao tiếp rõ ràng và chính xác hơn trong các tình huống thực tế, như giới thiệu bản thân, hỏi đường, mua sắm, đặt lịch hẹn…
Tiếng Đức có hai loại câu hỏi cơ bản ở trình độ A1:
- Ja/Nein-Fragen – Câu hỏi có/không
- W-Fragen – Câu hỏi với từ để hỏi (bắt đầu bằng chữ cái “W”)
5.1. W-Fragen: Câu hỏi với từ để hỏi

W-Fragen là những câu hỏi bắt đầu bằng các từ để hỏi trong tiếng Đức, hầu hết đều bắt đầu bằng chữ “W”. Những câu hỏi này yêu cầu người trả lời cung cấp thông tin cụ thể, thay vì chỉ trả lời “có” hoặc “không”.
Cấu trúc cơ bản của W-Fragen:
(W-Wort) Từ để hỏi + (V) Động từ + (S
) Chủ ngữ + (O) Thành phần khác ?
Trong đó:
- W-Wort: Đây là từ để hỏi (Ví dụ: Wer, Wo, Was…).
- Động từ chia: Là động từ đã được chia phù hợp với chủ ngữ.
- Chủ ngữ: Là người hoặc vật thực hiện hành động.
- Thành phần khác: Tân ngữ, trạng từ thời gian hoặc nơi chốn.
Ví dụ: Wo wohnst du? (Bạn sống ở đâu?)
→ Wo (Từ để hỏi) + wohnst (Động từ chia) + du (Chủ ngữ).
5.2. Ja/Nein Fragen: Câu hỏi dạng có/không
Ja/Nein Fragen là những câu hỏi yêu cầu trả lời bằng “Ja” (Có) hoặc “Nein” (Không). Đây là dạng câu hỏi cơ bản và thường được sử dụng trong các tình huống giao tiếp ngắn gọn, nhanh chóng.
Ví dụ: Bạn có học tiếng Đức không? → Lernst du Deutsch?
Để hình thành câu hỏi Ja/Nein Fragen, ta đảo động từ từ vị trí số 2 lên đầu và thêm dấu hỏi “?” ở cuối câu. Cấu trúc cơ bản là:
(V) Động từ chia + (S) Chủ ngữ + (nicht/kein) + (O) Thành phần khác ?
Ví dụ: Hast du Hunger? (Bạn có đói không?)
→ Hast (V) + du (S) + Hunger (O).
Lưu ý: nicht/kein được dùng trong câu hỏi phủ định
Ví dụ: Trinkst du kein Bier? (Bạn không uống bia à?)
Cách trả lời Ja/Nein Fragen
- Dạng khẳng định:
Ja, S + V +O.
hay Nein, S +V + O.
- Dạng phủ định:
Nein, S + V + O.
hay Doch, S + V + O.
Ví dụ:
- Nein, ich trinke kein Bier. (Không, tôi không uống bia.)
- Doch, ich trinke Bier. (Không, tôi uống bia mà.)
Đọc thêm: W-Fragen và Ja/Nein Fragen: 2 dạng câu hỏi trong tiếng Đức
6. Giới từ trong tiếng Đức
Giới từ (Präpositionen) là phần kiến thức không thể thiếu trong ngữ pháp tiếng Đức A1, vì chúng xuất hiện trong hầu hết các câu giao tiếp hàng ngày: từ hỏi đường, mô tả vị trí, nói về phương tiện di chuyển, cho đến giới thiệu thời gian, địa điểm…
Điều quan trọng khi học giới từ tiếng Đức không chỉ là hiểu nghĩa, mà còn phải biết chúng đi với cách (Kasus) nào: Dativ hay Akkusativ, vì điều đó ảnh hưởng đến mạo từ và hình thức danh từ phía sau.
Giới từ đi với Dativ
Các giới từ trong tiếng Đức thường gặp trong A1 đi với Dativ bao gồm: mit (với), in (trong), auf (trên), bei (ở chỗ), nach (sau/khi), aus (từ), von (từ), zu (tới), seit (từ khi).
Giới từ | Nghĩa | Ví dụ |
mit | với | Ich fahre mit dem Bus. (Tôi đi bằng xe buýt.) |
in | trong | Wir sind in der Schule. (Chúng tôi đang ở trường.) |
auf | trên | Das Buch liegt auf dem Tisch. (Quyển sách nằm trên bàn.) |
bei | ở chỗ | Ich bin bei meiner Freundin. (Tôi đang ở chỗ bạn gái.) |
Ghi chú: Với những giới từ này, danh từ theo sau phải chia ở Dativ, nên mạo từ sẽ thay đổi. Ví dụ:
- der → dem
- die → der
- das → dem
- số nhiều → den (+ danh từ thêm -n nếu có)
Giới từ đi với Akkusativ
Một số giới từ thông dụng trong A1 đi với Akkusativ, thường để chỉ chuyển động hướng tới đâu đó, hoặc đối tượng chịu tác động của hành động.
Giới từ | Nghĩa | Ví dụ |
für | cho | Das Geschenk ist für meinen Vater. (Món quà dành cho bố tôi.) |
ohne | không | Ich gehe ohne meine Tasche. (Tôi đi mà không mang túi.) |
um | vào lúc / quanh | Wir treffen uns um 8 Uhr. (Chúng ta gặp nhau lúc 8 giờ.) |
durch | xuyên qua | Wir laufen durch den Park. (Chúng tôi đi xuyên qua công viên.) |
Ghi chú: Các giới từ này buộc danh từ theo sau phải chia Akkusativ
- der → den
- die → die
- das → das
- số nhiều → die
Một số giới từ có thể dùng với cả Dativ và Akkusativ

Giới từ đi với Dativ và Akkusativ
Những giới từ này gọi là Wechselpräpositionen (giới từ hai cách). Chúng dùng với:
- Akkusativ khi có sự chuyển động (hướng tới đâu đó)
- Dativ khi chỉ vị trí tĩnh (ở đâu)
Giới từ | Nghĩa | Dativ | Akkusativ |
an | cạnh / bên | Das Bild hängt an der Wand. | Ich hänge das Bild an die Wand. |
in | trong | Ich bin in der Küche. | Ich gehe in die Küche. |
auf | trên | Das Buch liegt auf dem Tisch. | Ich lege das Buch auf den Tisch. |
über | phía trên | Die Lampe hängt über dem Tisch. | Ich hänge die Lampe über den Tisch. |
Lưu ý trong ngữ pháp tiếng Đức A1:
Khi gặp giới từ như in, auf, an, bạn cần quan sát động từ để xác định là hành động chuyển động (Akkusativ) hay tĩnh (Dativ). Đây là điểm thường được hỏi trong bài thi viết hoặc điền từ đúng cách (Kasus).
Đọc thêm: Học giới từ trong tiếng Đức: Quy tắc, cách dùng và 5 lỗi thường gặp
7. Câu mệnh lệnh trong tiếng Đức
Khi học ngữ pháp tiếng Đức A1, một chủ điểm không thể thiếu là câu mệnh lệnh (Imperativ) – được dùng để đưa ra yêu cầu, lời khuyên, chỉ dẫn hoặc ra lệnh. Trong tiếng Đức, bạn sử dụng câu mệnh lệnh khi:
- Ra lệnh hoặc yêu cầu ai đó làm gì
Mach das Fenster zu! (Đóng cửa sổ lại!) - Đưa ra lời khuyên
Sprich langsam! (Hãy nói chậm thôi!) - Hướng dẫn hoặc chỉ đường
Gehen Sie geradeaus! (Hãy đi thẳng!) - Gợi ý hoặc mời gọi
Komm mit! (Đi cùng tôi nào!)
Trong ngữ pháp tiếng Đức A1, bạn sẽ học cách dùng mệnh lệnh ở 3 ngôi phổ biến nhất: du, ihr, và Sie.
Cấu trúc câu mệnh lệnh theo từng ngôi
1. Với du (bạn – thân mật, số ít)
- Bỏ đuôi -st của động từ chia ở ngôi “du”
- Động từ đứng đầu câu
- Không dùng đại từ du trong câu
Động từ | Chia ở du | Mệnh lệnh |
gehen | du gehst | Geh! |
lesen | du liest | Lies! |
sprechen | du sprichst | Sprich! |
Câu hoàn chỉnh:
Mach die Tür auf! – Mở cửa ra!
Lies das Buch! – Đọc quyển sách đi!
Sei ruhig! – Hãy im lặng! (“sein” là bất quy tắc)
2. Với ihr (các bạn – thân mật, số nhiều)
- Dùng như động từ chia ở ngôi “ihr”
- Bỏ đại từ ihr, giữ nguyên động từ
Động từ | ihr | Mệnh lệnh |
kommen | ihr kommt | Kommt! |
arbeiten | ihr arbeitet | Arbeitet! |
Kommt bitte her! – Các bạn lại đây!
Spielt nicht so laut! – Đừng chơi ồn quá!
3. Với Sie (Ngài – trang trọng, số ít và số nhiều)
- Câu mệnh lệnh có Sie luôn dùng cấu trúc:
[Động từ] + Sie + …! - Động từ chia ở ngôi Sie, không bỏ đại từ
Động từ | Mệnh lệnh |
sprechen | Sprechen Sie langsam! |
warten | Warten Sie bitte! |
- Kommen Sie bitte pünktlich! – Xin hãy đến đúng giờ!
- Öffnen Sie das Buch! – Vui lòng mở sách ra!
Câu mệnh lệnh trong tiếng Đức dạng phủ định
Khi muốn phủ định mệnh lệnh, bạn chỉ cần thêm nicht (không) vào câu.
Ví dụ:
- Mach das nicht! – Đừng làm điều đó! (Chia ở du)
- Esst das nicht! – Các bạn đừng ăn cái đó! ( Chia ở ihr)
- Gehen Sie nicht dorthin! – Xin đừng đi tới đó! (Chia ở Sie)
Trong ngữ pháp tiếng Đức A1, đây là dạng câu cực kỳ hay xuất hiện trong phần thi nghe và nói – đặc biệt khi bạn phải đưa lời khuyên hoặc phản hồi tình huống.
Đọc thêm: Học câu mệnh lệnh trong tiếng Đức dễ dàng với ví dụ minh họa
Tạm kết
Ngữ pháp tiếng Đức A1 là nền tảng quan trọng, giúp người học xây dựng được khả năng giao tiếp cơ bản, hiểu và phản ứng đúng trong các tình huống hàng ngày. Dù trình độ A1 chỉ là bước khởi đầu, nhưng nếu bạn học đúng lộ trình, hiểu sâu từng chủ điểm, và luyện tập thường xuyên thì việc học sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.
Bài viết này đã tổng hợp tất cả những chủ điểm ngữ pháp tiếng Đức A1 quan trọng nhất: từ đại từ nhân xưng, chia động từ, phủ định, mạo từ, câu hỏi, giới từ, mệnh lệnh… Đây đều là các kiến thức bắt buộc bạn phải nắm vững nếu muốn thi đậu chứng chỉ A1 hoặc sử dụng tiếng Đức thành thạo trong cuộc sống hằng ngày.
Theo dõi các bài viết tiếp theo của Deutschfuns để khám phá thêm nhiều chủ đề học tiếng Đức thú vị nhé! Nếu bạn muốn tìm hiểu và học tiếng Đức với lộ trình học hiệu quả và bài giảng tinh gọn, dễ hiểu từ trình độ A1 đến B1, hãy tham khảo Khóa học Tiếng Đức của Deutschfuns!